This option will reset the home page of this site. Restoring any closed widgets or categories.

Reset

Người đàn ông nhận nuôi những ‘đứa con’ tâm thần

Người khác thấy kẻ điên thì sợ, tránh xa, nhưng anh Phước, một người lái xe chở vật liệu xây dựng ở Pleiku, Gia Lai, lại đón họ về nhà, chăm nuôi như con ruột. Việc thiện ấy anh đã âm thầm làm hơn chục năm qua.

Với suy nghĩ “người ta giàu sang rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, nghèo khó rồi cũng như thế, chẳng khác gì, vậy thì lúc sống mình làm được gì cho đời, cho người khác thì hãy cứ làm đi, đừng lo nghĩ”, anh Hà Tư Phước (47 tuổi, trú tại làng Ia Rok, xã Chư H’Drông, thành phố Pleiku) đã nhận những người bị bệnh tâm thần về nuôi dưỡng.


Anh Phước (thứ hai từ trái sang) đang hỏi han các “con” về tâm trạng,
sức khỏe. Ảnh: Tùy Phong

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, nhỏ bé nép bên cạnh núi Hàm Rồng, tài sản giá trị nhất có lẽ là chiếc tivi, anh Phước vui vẻ kể lại chuyện mình đã “bén duyên” với việc “vác tù và hàng tổng” này.

Gần chục năm nước, một lần anh đi chở hàng thuê cho bạn hàng xong thì người ta mời về nhà chơi. Đến nơi, anh mới biết trong nhà có một người con tâm thần đã bị xích 15 năm rồi. Tò mò ngó vào thấy hoàn cảnh người đàn ông đó hết sức thương tâm, trần truồng, dơ dáy, bị xích lại trong căn phòng hôi thối, chẳng khác nào con vật.

“Nghe người nhà này bảo phải xích thế không là nó đánh người, giết người ngay, không ai dám tới gần cả. Thấy thương quá, mình xin người nhà cho thả cậu ta ra, mình sẽ đưa về chăm sóc dùm. Lúc đầu, họ can ngăn, bảo đừng rước họa vào thân nhưng sau thấy mình quyết tâm quá nên để mặc muốn làm gì thì làm”, anh Phước nhớ lại.

Sau đó, anh đánh liều đưa Sáu (tên người đàn ông tâm thần này) về ở chung với mình, sinh hoạt cùng, dù nhà còn có vợ, hai đứa con nhỏ và một mẹ già.

Anh Phước chia sẻ, “lúc đó mình chẳng sợ gì hết mà chỉ nghĩ rằng, đều là thân phận con người với nhau nhưng sao những người bị bệnh tâm thần khổ quá. Họ sống cuộc sống không bằng con vật. Con vật còn được tự do đi lại còn họ thì bị xích một chỗ, kìm lòng không đặng nên mong muốn được yêu thương, chăm sóc họ”.

Sáu khi về ở với anh Phước thì được coi như con, được anh tắm rửa sạch sẽ, cắt tóc, móng tay, móng chân gọn gàng. Mỗi khi anh Phước đi làm thì cho đi theo để đỡ buồn, dần dần Sáu trở nên lành tính hẳn. Sau 5 tháng thì Sáu đã hòa nhập lại được với cuộc sống, biết tự ăn uống, tự thay đồ, giặt đồ của mình, không la hét, quậy phá, đánh đập ai nữa. Bây giờ thì gia đình đã đón Sáu về nhà.

Từ cái lần đầu tiên đó, sau này hễ cứ đi đâu thấy người bị điên, bị xiềng xích là anh Phước lại xin đưa về nhà nuôi. Anh cũng không nhớ rõ mình đã nhận nuôi bao nhiêu người, nhiều người được gia đình đưa đến với anh khi bệnh tình đang nặng nhưng sau một thời gian thì thuyên giảm, người nhà lại đón về. Có lúc nhà anh nuôi đến 15 người bệnh tâm thần, họ đều là những người từng bị bệnh viện trả về và đã bị gia đình xích lại một chỗ từ 10 đến 20 năm.

Về với anh, họ được tự do đi lại, được anh yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, động viên. Anh Phước tâm sự: “đối với người bị bệnh tâm thần, liều thuốc công hiệu nhất là tình thương, mình yêu thương họ thật sự, lo cho họ thật sự thì sẽ cảm hóa được họ. Khi mình trao cho họ tình thương thì họ sẽ không bao giờ hại mình”.

Chính vì thế mà anh gọi những người bị bệnh tâm thần là “con” và họ cũng gọi anh là “bố”.

Nghe đồn về anh, nhiều gia đình có thân nhân bị tâm thần đã tìm đến để gửi gắm. Lúc đầu chỉ có 3, 4 người thì anh cho ở trong nhà, sinh hoạt chung với gia đình nhưng số lượng ngày một đông nên anh phải đi vay mượn, mua nợ tiền vật liệu xây dựng để xây riêng một căn nhà cho họ ở. Căn nhà cấp 4 mới xây này còn rộng rãi, khang trang hơn căn nhà mà gia đình anh đang dùng. Ở đây có đầy đủ phòng vệ sinh, phòng ngủ, hệ thống lọc, khử trùng nước, phòng vui chơi, sinh hoạt cho người bệnh.


Phút vui đùa của “bố” Phước và các “con” trong
căn nhà do anh xây dựng cho họ. Ảnh: Tùy Phong.

Để làm được việc thiện, anh Phước luôn thầm cám ơn người vợ hiền là chị Huỳnh Thị Hạc (38 tuổi). Chị đã san sẻ trách nhiệm với anh bằng cách chịu trách nhiệm lo cơm nước cho những “đứa con nuôi”.

Chị tâm sự, “lúc đầu mình cũng lo sợ khi thấy chồng đưa những người bị tâm thần về ở chung nhà. Nhưng sau thấy anh ấy yêu thương họ quá, mình cũng xuôi dần, bây giờ thì mình thấy bình thường rồi”.

Những gia đình gửi thân nhân cho anh chị nuôi, có người đóng góp được 500.000 – 600.000 đồng, người thì góp chục ký gạo một tháng để chị lo chuyện ăn uống, cũng có người không đóng gì, tuy nhiên không vì thế mà gia đình anh Phước bỏ bê “con”. Ở đây các con đều được ăn uống, chăm sóc như nhau.

“Mỗi ngày, cứ 3h sáng là mình dậy đi bốc vác hàng thuê, đến 6h thì về đi chở hàng, ai kêu gì chở nấy. Như vậy, khi người khác ngủ vừa dậy là mình đã kiếm được chừng 100.000 đồng bỏ túi rồi! Không làm thế thì lấy tiền đâu mà lo cho gia đình và mười mấy ‘đứa con’. Mỗi khi chúng kêu ‘Bố ơi, đói!’ là mình thắt ruột rồi, đó là chưa kể hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học nữa chứ!”, anh Phước tâm sự.

Giờ làm việc của anh kéo dài từ 3h sáng đến 22h đêm, vất vả như vậy nhưng anh không hề than phiền nửa câu. Hàng ngày, ngoài thời gian đi làm kiếm tiền, anh Phước đều dành ra một quỹ thời gian để tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh, giặt quần áo và trò chuyện cùng mấy “đứa con”. Mọi sinh hoạt của họ đều do một tay anh lo. Anh kể, đi tới nhà ai hoặc ra đường thấy quần áo, dày dép còn dùng được là xin hoặc nhặt về cho mấy đứa.

“Người ta có cười mình cũng mặc kệ. Riêng mình đây cũng thế thôi, có khi không có mặc cả đồ của phụ nữ đi làm thấy người ta xì xào, nhưng mình nghĩ có thứ khoác lên người là được, đẹp hay không là ở bản chất bên trong chứ đâu phải là do quần áo tạo nên”.


Trại nuôi dưỡng người tâm thần với một số cơ sở vật chất
dành cho người tâm thần của gia đình anh Phước.
Nó còn lớn hơn căn nhà gia đình 5 người của
anh Phước đang ở. Ảnh: Tùy Phong.

Sau một hồi trò chuyện, anh Phước dẫn khách xuống thăm những “đứa con nuôi”. Thoáng thấy bóng anh từ ngoài cổng, họ đã cất tiếng hát thay lời chào. Anh Phước cười trấn an, “mấy đứa bây giờ hiền lắm, về ở với anh không hiểu sao mà bỗng nhiên hiền hẳn, nói gì nghe nấy. Một số đứa anh đã cho đi làm ngoài vườn rồi, nói là đi làm chứ thực ra là để chúng nó đi dạo cho thoải mái, tự do thôi, ở trong nhà cả ngày bức bí lắm”.

Nhìn những con người ngoan ngoãn, hiền lành, lễ phép như trẻ lên ba chẳng ai nghĩ họ đã từng quậy phá tan nát khi đang ở với những người ruột thịt của mình. Anh chỉ vào một người trẻ nhất, kể: “Nó tên là Trần Minh, mới hai mấy tuổi thôi, cha mẹ chết hết rồi nên giờ ở luôn với anh. Ngoài Minh ra còn có hai đứa nữa, không còn cha mẹ nên mình nuôi đến suốt đời. Còn những người khác khi nào gia đình muốn đến đón về thì cho về”.

Khi được hỏi: “Có ai muốn về nhà không?”, tất cả những người này đồng loạt lắc đầu: “Không về, ở đây với bố!”.

Ông Hoàng Quốc Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Chư H’Drông cho biết: “Ông Phước là một người thiện tâm, ông làm việc thiện không vì một động cơ trục lợi nào. Việc này đã diễn ra hơn chục năm nay. Theo tôi nắm được thì những người tâm thần dù ở với người thân luôn lồng lộn, quậy phá, nhưng khi về với ông Phước không hiểu sao lại hiền hẳn ra, chấp hành vệ sinh, tự vệ sinh cho bản thân, bệnh tình ngày càng phát triển theo chiều hướng tiến bộ, đã có người khỏe hẳn được thân nhân đón về. Và cũng chưa có trường hợp nào quậy phá tại địa phương chúng tôi quản lý”.

Cũng theo ông Lương, hiện gia đình ông Phước chẳng khá giả gì, một mình ông phải lao động vất vả nuôi 4 miệng ăn người thân.

Tùy Phong (VnExpress)

More photos:

Anh lái xe tận tình nuôi người tâm thần


Căn nhà nhỏ nhưng đầy tình người của anh Phước và gia đình.


Những “đứa con” nuôi tâm thần có thể phụ gia đình anh Phước một số việc nhẹ


Trong căn nhà anh Phước xây cho người tâm thần ở có đầy đủ phòng vệ sinh, phòng ngủ, hệ thống lọc, khử trùng nước, phòng vui chơi, sinh hoạt cho người bệnh.


Chị Hạc – vợ anh Phước đang hỏi thăm sức khỏe các con

Comments are closed.