Người lái đò bỏ tiền xây cầu cho dân nghèo
Tích cóp gần 20 năm được 200 triệu đồng, vay thêm 100 triệu, nông dân Chu Văn Thi đã xây cây cầu nối đôi bờ sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) để gần 2.000 người trong xã nghèo không phải vượt sông tới trường, tới chợ.
Nhạc Kỳ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Lãng, với gần 2.000 nhân khẩu đều là người dân tộc Tày, Nùng. Xã cách trung tâm huyện gần 30 km, trong khi chỉ cách phố Điềm He, trung tâm buôn bán của huyện Văn Quan và cũng là nơi có trường THPT Văn Quan và trường THCS Văn An, đúng một con sông Kỳ Cùng.
Bao đời nay, người dân xã Nhạc Kỳ đi chợ, đi học ở phố Điềm He đều phải qua đò. Mùa nước cạn sông Kỳ Cùng khá yên bình, nhưng mùa lũ nước sông lên cao và chảy xiết, ai đi qua đò cũng thấp thỏm lo âu. Ông Chu Văn Vệ, Bí thư chi bộ thôn Lương Thác, cho biết dù lâu nay chưa có trường hợp tử vong tại khúc sông này, nhưng người rớt xuống, bị thương thì thường xuyên.
Suốt 23 năm qua, nông dân Chu Văn Thi là người duy nhất lái đò chở bà con xã Nhạc Kỳ sang Văn Quan ở đoạn sông này. Đổi lại, hằng năm ông thu mỗi gia đình 15 kg thóc. “Chở bà con, học sinh qua sông hằng ngày, chứng kiến các cháu rớt xuống sông, thương xót lắm nên tôi ấp ủ ý tưởng xây cầu ngay từ những năm đầu lái đò”, người nông dân dân tộc Nùng tâm sự.
Hằng ngày ông Thi vẫn đi kiểm tra cây cầu. Ảnh: Minh Hữu.
Dù nhà nghèo, chỉ 5 sào ruộng mà tới 7 miệng ăn, nhưng ông Thi vẫn quyết tích cóp xây cầu. Bất kể việc gì, từ làm ruộng, chăn nuôi lợn gà, hay số thóc thu của mỗi gia đình, ông đều để dành. Đến đầu năm 2009, sau gần 20 năm, ông đã tiết kiệm được 200 triệu đồng và vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội 100 triệu đồng để xây chiếc cầu mơ ước.
Đầu tháng 1/2009 cầu bắt đầu được khởi công, sau 3 tháng thì hoàn thành. Với chiều rộng 2 m, dài 200 m, cao hơn 2 m, cầu được thiết kế cho xe máy, xe đạp lưu thông. “Giá có thêm tiền, tôi sẽ làm lan can thành cầu, hay mở rộng để ôtô có thể qua lại”, ông Thi nói.
Dù tự bỏ tiền xây cầu, nhưng ông Thi vẫn thu mỗi hộ trong xã 15 kg thóc mỗi năm, bằng công chở đò ngày trước. “Làm nghề chở đò, nhiều khi bận bịu, ốm đau hay rét buốt, nhưng cứ có người gọi là tôi phải đưa họ sang sông. Nay tôi không còn khỏe, xây cầu này để không phải sớm chiều lọ mọ đưa bà con qua sông”, ông giải thích.
Cây cầu nối Nhạc Kỳ với trung tâm huyện Văn Quan không chỉ thuận lợi cho người dân trong xã mà bà con các xã lân cận như Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái (Văn Lãng), Văn An (Văn Quan) cũng được “hưởng lợi” vì dễ dàng hơn trong việc đi lại, trao đổi, buôn bán hàng hóa.
Bà Vương Thị Thiệu ở thôn Lương Thác, nói: “Có cầu này, chúng tôi đi chợ dễ dàng hơn, đi về lúc nào cũng được. Người dân biết ơn bác Thi lắm”. Còn em Chu Văn Niệm, học sinh lớp 12A3, THPT Văn Quan, cho biết: “Trước kia mùa lũ, nước sông dâng cao là em phải nghỉ học. Từ khi có cầu, em không phải bỏ học buổi nào”.
Ông Chu Văn Đồng, Trưởng thôn Lương Thác (Nhạc Kỳ) cho biết, cây cầu giờ đông lắm, ngày nào cũng tấp nập. Ngày chợ phiên, có đến hơn nghìn lượt người. Học sinh cấp 2 và 3 ở mấy xã lân cận cũng qua đường này đi học.
Còn ông Thi, ngày ngày vẫn tranh thủ lúc rỗi rãi ra quét dọn mặt cầu, kiểm tra chất lượng. Ông mong cầu sẽ trụ vững được với thời gian, trước những trận lũ lớn.
Minh Hữu(VnExpress)