Bác tài 8 năm cưu mang người nhiễm HIV
Hải “nghiện” ra đi vào một chiều mưa tầm tã. Cái chết đến trong đau đớn quằn quại, thế nhưng vào phút cuối, gương mặt người bệnh lại giãn ra thanh thản, trên tay vẫn nắm chặt mảnh giấy với dòng chữ:”Trực ơi tôi cám ơn!”.
Bệnh nhân qua đời được khoảng nửa giờ thì Mai Trung Trực – người được nhắc trong “lời trăng trối” có mặt. Dựng vội chiếc xe máy ngoài cổng trung tâm dành cho người bệnh AIDS, không kịp cởi áo mưa, người đàn ông có vóc dáng cao to vội đến nơi Hải nằm, tay anh nắm chặt bàn tay vẫn còn ấm của người chết, mắt anh rưng rưng.
Vừa dứt câu kinh cầu nguyện, anh rút cây viết từ túi áo ghi chép cẩn thận ngày qua đời của Hải để những năm sau làm đám giỗ, rồi quay sang những người phụ trách mái ấm bàn tính chuyện mai táng. Anh nhanh nhẹn phân công từng khâu từ khâm liệm đến chôn cất.
Hình ảnh người tài xế 44 tuổi hết lòng với bệnh nhân AIDS ấy không xa lạ đối với những tình nguyện viên tại các mái ấm ở TP HCM. Tuy nhiên chứng kiến cảnh này, nhiều người vẫn không ngăn được nỗi xúc động.
“Đây không phải là lần đầu tiên anh Trực làm như thế, biết anh từ 8 năm nay, tôi đã chứng kiến không dưới 10 lần Trực có mặt cùng họ trong lúc lìa cõi đời. Lần nào anh cũng tận tâm như lo cho người thân”, anh Thái, một đồng đẳng viên ở Phú Nhuận nói.
Trong nhật ký của mình, Hải “nghiện” – người vừa ra đi, có đoạn viết: “Mọi thứ tưởng chừng như đã kết thúc sớm nếu tôi không gặp anh trong lúc định quăng mình từ trên cầu xuống sông để kết thúc cuộc đời tàn. Không hiểu sao lần đầu nhìn vào mắt anh, nghe giọng anh nói, tôi bị thuyết phục ngay và chấp nhận được anh đưa về một mái ấm. Kể từ đó, thi thoảng anh lại lui tới thăm tôi và những người khác, anh coi tôi như những người bạn”.
Ở một đoạn khác, sau khi miêu tả niềm vui vì đã vượt được cơn nghiện thuốc, anh Hải cho rằng: “Chính sự quan tâm không một chút kỳ thị, chính cái nắm tay thật chặt rất hiếm thấy của anh đối với người nhiễm HIV đã khiến tôi thấy cuộc đời còn có ý nghĩa. Biết rõ mình gần ra đi, biết rõ sức đã hết để có thể giúp ích cho đời nhưng tôi nguyện sống thật tốt những tháng ngày cuối. Trực ơi, thật lòng cảm ơn anh”.
Trò chuyện với VnExpress.net, người được các bệnh nhân AIDS gọi là “anh hai Trực”, cho biết, anh hạnh phúc với công việc của mình, vì qua đó anh đã giúp người bệnh không còn cảm thấy bị bỏ rơi, từ đó những tháng ngày cuối đời của họ kể cả cái chết nếu có cũng thanh thản hơn.
“Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với họ vào năm 2002, khi ấy tôi đến Trung tâm Mai Hòa, Củ Chi, trong vai trò là tài xế lái xe đưa một phái đoàn đi làm từ thiện. Lúc ra về, một bệnh nhi nhiễm AIDS kéo tay tôi bảo ‘chú ơi con thèm ăn bánh kem’. Tôi hứa đến Giáng sinh sẽ mang bánh về cho cháu. Tuy nhiên đến tháng 10 thì bé mất. Lúc đó tôi tự nghĩ, họ thật đáng được quan tâm vì cuộc sống của họ còn lại quá ngắn. ‘Phải làm điều gì đó cho họ trước khi quá muộn'”, anh Trực nói.
Kể từ sau ngày khóc thương cô bé “thèm bánh kem”, anh Trực bắt đầu lân la vào các diễn đàn để kết bạn có cùng cái tâm làm việc tốt, đồng thời cũng tìm thêm những trung tâm, mái ấm cần giúp đỡ. Trên đường lái xe cho công ty, hễ thấy ai khổ, gặp người nhiễm HIV thì anh luôn động viên, an ủi rồi thường xuyên lui tới trò chuyện. Người bệnh đến giai đoạn cuối, không còn sức khỏe thì anh đưa về gửi tại các trung tâm. Tính đến nay, số người được anh cưu mang còn sống lẫn đã qua đời phải hơn con số 100.
Riêng Trung tâm Mai Hòa, nhớ lời cô bé nọ, từ 8 năm nay, Noel nào anh Trực cũng cùng nhóm bạn mang bánh kem và quà đến cho các bé. Năm 2009, với những việc làm của mình, anh Trực được ban tổ chức chương trình Cứu tinh xa lộ trao giải thưởng trị giá 3 triệu đồng. Số tiền cũng được anh dành hết cho người nhiễm AIDS.
“Vui lắm khi thấy người ta từ những kẻ chán chường, nằm liệt có thể cười tươi hoặc thôi không còn bi quan nữa. Tôi không có bí quyết gì cả, tôi chỉ có một cách duy nhất là ngồi nghe họ nói và chia sẻ. Vật chất không có để giúp thì tôi gọi điện nhờ bạn bè. Có khi chưa hết tháng, tiền gọi điện thoại đã hơn 600 nghìn đồng. Nhưng không gọi cầu cứu thì tiền đâu mà giúp người nên chấp nhận luôn”, anh Trực hồ hởi nói.
Chú tài xế và những trẻ nhiễm HIV ở Củ Chi. Ảnh: Thiên Chương.
Từng tiếp xúc và được anh Trực giúp đỡ, chị Trương Thị Hồng Tâm, nữ giang hồ khắc tinh của HIV nói: “Trực là vậy đó, nhiều người cho rằng anh ấy bất bình thường bởi làm tài xế lương vừa đủ sống, đã có vợ con nhưng phải ở thuê, nhưng nghe ở đâu có người khổ, đọc báo thấy ai cần được giúp đỡ là anh tìm cách liên hệ ngay. Không ít lần đang lái xe, thấy người lang thang là Trực dừng luôn xe lại để hỏi han rồi móc tiền túi ra giúp. Không ít người khuyên nên nghĩ lại nhưng Trực đâu chịu nghe”.
Xơ Bảo, người phụ trách Trung tâm Mai Hòa thì nhận xét, anh Trực là một người thân thiện, đáng quý. “Anh ấy tốt lắm, chính sự thân thiện không kỳ thị của anh đã mang đến cho các bé mắc bệnh hiểm nghèo có được những ngày còn lại vui vẻ”, xơ nói.
Còn với chị Hiền, sống cùng người chồng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, liên tục chịu cảnh ở nhà cùng con những ngày cuối tuần để chồng đi giúp người dưng, nhưng hiểu được ý nghĩa việc làm của chồng nên chị hoàn toàn thông cảm.
Chị nói: “Vẫn biết tiền mua trả góp chiếc ôtô để anh kiếm cơm vẫn chưa trả xong, nhà thì còn ở thuê mỗi tháng gần 3 triệu đồng, con gái lại bắt đầu đến tuổi đến trường, thu nhập hai vợ chồng chỉ tròm trèm 10 triệu đồng, nhưng biết chồng cất công giúp những người khổ hơn mình nên tôi không bao giờ phàn nàn. Anh ấy vui tôi cũng vui và hơn thế nữa, con tôi sau này sẽ học theo gương cha mẹ mà thương yêu người có hoàn cảnh khó”.
Gia đình còn khó khăn là thế, nhưng khi được hỏi về những ước mơ trong tương lai, không cần suy nghĩ, cả hai vợ chồng trả lời ngay: “Chúng tôi chỉ muốn giúp được nhiều người hơn nữa và mọi người đừng ruồng bỏ, xa lánh bệnh nhân AIDS. Họ cũng như chúng ta, dù mắc bệnh nhưng họ vẫn có quyền được sống, được yêu thương”.
Thiên Chương (VNExpress.net)